Mạng 5G là gì?
5G là viết tắt của 5th Generation (Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G. 5G được thiết kế để tăng tốc độ và khả năng phản hồi nhanh chóng của mạng không dây.
Lợi ích của mạng 5G
Sự xuất hiện của mạng 5G hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều tiện ích và ứng dụng rộng rãi trong tương lai đặc biệt là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới “Mạng lưới vạn vật kết nối Internet” (IoT). Ba trong số những điểm thu hút chính của thế hệ 5G mới này là:
- Tốc độ truyền tải dữ liệu (cả tải lên và tải xuống) cực kỳ nhanh chóng. Theo lý thuyết tốc độ 5G có thể đạt đến 10 Gbp/s (gigabit mỗi giây) thậm chí cao hơn.
- Độ trễ (ping) có thể xuống tới 10 ms, thậm chí là bằng không trong điều kiện hoàn hảo.
- Kết nối gấp 10-100 lần số lượng thiết bị kết nối cùng một lúc như: Điện thoại thông minh, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, mạng cảm biến sử dụng trong các tòa nhà, thành phố, nông trại,… Kết nối các thiết bị cá nhân người dùng và giữa các thiết bị máy móc với nhau. Giảm thiểu tuyệt đối tình trạng gián đoạn giữa các thiết bị.
Hiệu suất được cải thiện trên diện rộng như vậy, 5G sẽ được sử dụng như thế nào trong tương lai gần? Cùng điểm qua năm lĩnh vực cốt lõi nơi 5G sẽ là then chốt trong những năm tới.
- Truy cập internet tốc độ cao
- Cơ sở hạ tầng
- Điều khiển thiết bị từ xa
- Chăm sóc sức khỏe
- Xe tự lái
Chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những điều này một cách ngắn gọn mặc dù mỗi lĩnh vực này đều rộng và sâu với các khả năng. Chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào một số phần được lên kế hoạch riêng trong những tuần tới khi 5G phát triển trước mắt chúng ta.
1) Truy cập internet tốc độ cao
Mục đích ban đầu của 5G là giúp giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến truy cập internet tốc độ cao. Với việc các nhà cung cấp dịch vụ tại hầu hết các thành phố lớn đang nhanh chóng dùng hết dung lượng LTE, mọi thứ dần trở nên nghiêm trọng hơn. Chắc chắn bạn có thể nhận thấy 4G thậm chí còn chậm hơn 3G vào những giờ cao điểm trong ngày. 5G với những ưu điểm vượt trội về tốc độ, lưu lượng, độ trễ sẽ có thể giảm thiểu tối đa những vấn đề trên.
2) Cơ sở hạ tầng
Như đã nêu tại CES 2019, 5G cuối cùng sẽ giúp các thành phố hoạt động hiệu quả hơn.
Từ camera giám sát đến các cảm biến ngày càng tinh vi hơn giúp chính quyền địa phương giải quyết vấn đề an toàn công cộng. Các công ty cung cấp tiện ích có thể cải thiện khả năng theo dõi và cung cấp dịch vụ từ xa, tác động lên cách vận hành của các thành phố sẽ bùng nổ khi 5G ra đời.
3) Điều khiển thiết bị từ xa
Độ trễ cực thấp của 5G sẽ làm cho việc điều khiển máy móc từ xa trở nên phổ biến và thiết thực hơn cũng như ít rủi ro hơn.
Nếu các nhân viên ở một nơi nào đó trên thế giới xảy ra vấn đề trong cách vận hành, các kỹ thuật viên chuyên nghiệp có thể chiếm quyền kiểm soát điều hành từ xa.
4) Chăm sóc sức khỏe
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với sự ra đời của 5G cũng trở nên phát triển rộng khắp.
Từ theo dõi sức khỏe từ xa và kê thuốc thông minh đến y tế từ xa, thậm chí có khả năng phẫu thuật từ xa, chăm sóc sức khỏe đang trên dần biến đổi một cách nhanh chóng.
5) Xe tự lái
Khi 5G bắt đầu ra mắt, chúng ta sẽ mong đợi ngày càng có nhiều xe ô tô tự hành. Hệ thống cảm biến có khả năng gửi và trích xuất dữ liệu nhanh chóng, cách thức điều khiển của các phương tiện trong từng hoàn cảnh cụ thể sẽ thông minh hơn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh
5G sẽ ảnh hưởng đến Internet of Things như thế nào?
Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet viết tắt là IoT (Internet of Things) là một mạng lưới toàn cầu khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh riêng, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. Nói đơn giản IoT là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.
Năm 2020, có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet và con số này còn không ngừng tăng lên nhanh chóng. Một mạng lưới IoT có thể chứa đến 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Sự gia tăng chóng mặt này đặt ra thách thức vô cùng lớn cho hệ thống mạng dữ liệu vốn thường xuyên quá tải và nghẽn mạng. Với 5G, tốc độ siêu việt, độ trễ cực thấp và khả năng kết nối số lượng thiết bị khổng lồ, có thể giả quyết thách thức lớn nhất trên và mở ra thời kỳ huy hoàng cho IoT.